LUNA, DeFi và bài học Dotcom

Nhân dịp đặt biệt tài khoản Future về 0đ, với kinh nghiệm (0 năm :)) tham gia thị trường tiền mã hoá (crytocurrency) và một ít thông tin lượm lặt được từ nhiều nguồn. Mình sẽ note lại một số sự kiện đáng chú ý trong thuyết âm mưu về cú sập lần này của LUNA, UST và rủi ro của các mô hình tài chính phi tập trung (Decentralized Finance). Sự kiện này cũng gián tiếp nhắc nhở các nhà đầu tư về bài học bong bóng Dotcom của thập niên 2000 về việc chọn lựa sản phẩm phù hợp để đầu tư trong giai đoạn công phát triển như vũ bão.

Lưu ý: Một vài phần trong bài viết là quan điểm và suy đoán riêng của tác giả dựa trên một số dữ liệu chưa kiểm chứng. Tai nạn có thể không có thật, nhưng phương thức tấn công, rủi ro và hậu quả là có thật.

Blockchain và Decentralized Finance

Có thể nói blockchain hay chuỗi khối chính là công nghệ gây tiếng vang lớn trong cả giới công nghệ lẫn kinh tế và chính trị trong vài năm trở lại đây. Một sản phẩm phái sinh rất quan trọng và nổi tiếng của blockchain đó là tiền mã hoá (cryptocurrency). Có thể blockchain là một khái niệm xa lạ, nhưng chắc chắn những người đọc bài viết này đã từng một lần nghe đến Bitcoin, Ethereum,.. Đây là hai đồng tiền mã hoá có tổng vốn hoá thị trường lớn nhất hiện nay.

Ở góc độ của bài viết này, chúng ta không cần phải quá đào sâu vào công nghệ blockchain. Chúng ta sẽ tạm chấp nhận và hiểu công nghệ này theo một cách như sau: Blockchain là công nghệ giúp ghi nhận và xác thực các giao dịch ngang hàng (peer-to-peer transaction) mà không cần bất kỳ bên thứ ba nào đứng ra đảm bảo.

Vậy blockchain được ứng dụng vào tài chính phi tập trung (DeFi) như thế nào? Trước hết, hãy hình dung về mô hình truyền thống như sau: Khi cần thực hiện giao dịch thanh toán từ người A sang người B để mua sản phẩm/dịch vụ trong điều kiện hai người này không thể gặp nhau. Thì không có gì đảm bảo cả hai sẽ thực hiện đúng cam kết của mình, ví dụ như người A đã chuyển tiền sang người B nhưng người B không giao sản phẩm/dịch vụ cho người A hoặc ngược lại thì phải làm sao? Do đó, ta cần một bên thứ ba đứng ra đảm bảo giao dịch có thể thực hiện thành công và trót lọt. Lúc này vai trò của các cổng thanh toán và ngân hàng sẽ xuất hiện. Người A thay vì chuyển tiền trực tiếp sang người B, thì lúc này A sẽ chuyển tiền cho người trung gian là ngân hàng. Sau khi ngân hàng đã nhận được tiền từ A thì sẽ thông báo cho B thực hiện nghĩa vụ bàn giao sản phẩm, dịch vụ cho bên A. Khi bên B đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì ngân hàng mới chuyển số tiền mà mình đang "giữ hộ" sang cho B và lấy một khoản phí giao dịch, còn nếu B không thực hiện đúng cam kết thì ngân hàng sẽ trả tiền lại cho A.

Mô hình như trên được gọi là Centralized Finance. Có thể thấy việc sinh ra các mô hình tài chính tập trung như ngân hàng chính là do chúng ta không thể tin tưởng lẫn nhau, dẫn đến cần có bên thứ ba đứng ra làm tin. Tuy nhiên, vấn đề tiếp tục nảy sinh khi cả người A và người B tiếp tục không tin tưởng bên thứ ba (ngân hàng). Họ nghi ngờ rằng tiền của mình có thể được sử dụng không đúng mục đích, hoặc bị thao túng bởi các tổ chức lớn (chính phủ, quỹ này, quỹ nọ,...) theo hướng không có lợi cho họ. Vì vậy cần phải nghĩ ra cách để A và B có thể tin tưởng nhau mà không cần đến bên thứ ba can thiệp vào giao dịch. Đó chính là DeFi (Decentralized Finance). Ý tưởng về DeFi đã có từ rất lâu, nhưng giai đoạn gần đây mới bùng nổ nhờ vào công nghệ blockchain. Nhờ vào blockchain, các giao dịch có thể thực hiện và xác thực trên mạng ngang hàng (peer-to-peer network) mà không có bên thứ ba nào có thể thao túng được. Đây quả thực là một công nghệ tuyệt vời cho DeFi, vậy là trào lưu blockchain-based DeFi bắt đầu. Hàng trăm, hàng nghìn dự án khác nhau được ra mắt theo trào lưu này.

Layers of the Crypto Universe. Nguồn: https://ospreyfunds.io/newsletter/layersofcryptoverse/

Ở hình trên, chúng ta có thể thấy sơ đồ 4 layer của hệ sinh thái mà blockchain đã tạo ra.

Layer 1 - Foundation: Đây là những dự án đầu tiên đặt nền móng cho tất cả các dự án sau. Bitcoin là mạng lâu đời nhất rồi đến những dự án tầm cỡ như Ethereum, Polkadot, Algorand,.. Nói nôm na mục tiệu của các dự án ở giai đoạn này là tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số cho phép người dùng có thể chuyển tiền thông qua mạng ngang hàng mà không cần phải có bất kỳ bên thứ ba nào làm trung gian.

Layer 2 - Scaling: Điểm mạnh của các dự án layer 1 đó là vấn đề bảo mật, mạng càng lớn thì tính bảo mật càng cao. Tuy nhiên, nếu mạng càng lớn thì tốc độ xử lý của một transaction sẽ rất thấp và tốn rất nhiều năng lượng (gas fee) - do cơ chế kỹ thuật POW (proof-of-work) của công nghệ blockchain. Điểm yếu tiếp theo đó là nếu bây giờ cần chuyển tiền cross-chain ví dụ chuyển từ Bitcoin sang Ethereum thì phải làm như thế nào? Vì vậy các dự án ở layer 2 tập trung giải quyết hai vấn đề trên. Ở các dự án như Polygon, Chainlink,.. họ thay vì sử dụng POW thì chuyển sang sử dụng POS (proof-of-stake) trên mainnet của các dự án ở layer 1.

Nếu chỉ dừng ở layer 1, về cơ bản chúng ta không thể thực hiện chuyển đổi giữa Bitcoin và Ethereum, do đây là hai mạng hoàn toàn tách biệt nhau. Vì vậy, cả A và B đều phải tạo hai tài khoản (ví) trên hai mainnet này để thực hiện giao dịch. Ví dụ, A sẽ chuyển cho B 10 BTC vào ví của B trên mainnet Bitcoin, để nhận lại 100 ETH từ B vào ví của A trên mainnet Ethereum.

Giao dịch trên xảy ra hai vấn đề: Thứ nhất là cũng như ban đầu, A và B không thể tin tưởng nhau có thực hiện đúng cam kết chuyển tiền hay không; Thứ hai là chi phí để ghi nhận và xác thực một transaction trên những mainnet như Bitcoin và Ethereum là rất cao và tốn nhiều thời gian. Do đó, một cơ chế khác được nghĩ ra như sau: Thay vì phải tạo cả hai ví ở hai mạng BTC, ETH để chuyển và nhận tiền. Thì chúng ta tạo ra một mang ngang hàng mới với tên là BSC với mục đích làm cầu nối cho 2 mạng Bitcoin và Ethereum (bridging). BSC sẽ nắm giữ một pool lớn với 2 ngăn, một ngăn chứa BTC, ngăn còn lại chứ ETH. Người dùng chỉ cần tạo 1 ví duy nhất trên mạng BSC là đã có thể chuyển tiền cho nhau. Giao dịch chuyển đổi từ BTC sang ETH có thể được làm như sau.

  • Sau khi nhận được giao dịch chuyển đổi 1 BTC thành 10 ETH từ người dùng. BSC sẽ nhận số BTC này và bỏ vào ngăn bên trái của mình. Rồi một lượng 10 ETH ở ví bên phải để gửi lại vào ví của người dùng trên BSC.

Tuy nhiên nhìn như vậy thì chẳng khác nào mô hình tài chính tập trung, BSC không phải là một ngân hàng điện tử hay sao. Điểm khác biệt đó là ở mô hình staking (gửi tiền). Những người dùng nắm giữ BTC và ETH có thể thực hiện staking bằng cách gửi tiền của mình vào BTC pool hoặc ETH pool của BSC và nhận được lãi sau một thời gian. Điều này giống như gửi tiết kiệm ở ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, những giao dịch này được ghi nhận và xác thực bởi smart-contract trên mạng BSC, do đó không ai có thể thao túng và thay đổi được. Đây cũng là nguồn tiền lí tưởng để duy trì thanh khoản cho BSC.

Layer 3 - Web 3.0: Sau khi đã giải quyết được những vấn đề ở layer 1, chúng ta đã có thể thoải mái phát triển các sản phẩm phái sinh từ hệ sinh thái blockchain. Đó là các sàn giao dịch DEX, công nghệ chứng chỉ kỹ thuật số NFT, DeFi,...

Layer 4 - Interface: Ở layer 4, các DApps, Metaverse,.. có thể là bước phát triển tiếp theo dựa trên nền tảng của các ứng dụng ở layer 3. Đây là những hệ sinh thái tích hợp dựa trên nền tảng Web 3.0 và nhiều công nghệ tương lai khác.

Hiện nay, các ứng dụng ở layer 3 đang là những sản phẩm dẫn đầu xu hướng. Điển hình và nổi bật là DeFi, mô hình tài chính phi tập trung này cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ như ngân hàng truyền thống như chuyển tiền, đổi tiền, thanh toán, gửi tiền,... Nói một cách khác, đây là ngân hàng, nhưng decentralized, nơi tiền là thứ không thể bị bất kỳ một ai kiểm soát và thao túng.

Tuy nhiên, có thật sự như vậy?

LUNA/UST

Nghe thì có vẻ rất hay, nhưng những token như BTC, ETH,.. lấy gì để đảm bảo giá trị của mình? Ngay cả tiền pháp định (fiat) về bản chất không mang gía trị mà chỉ là một tờ giấy ghi nhận gía trị của tài sản khác. Tài sản đó gọi là tài sản đảm bảo. Khi người ta nói đến tiền bản vị vàng hoặc bản vị dầu mỏ, chính là nhắc đến khái niệm này. Một đồng tiền được gọi là bản vị vàng nếu giá trị của nó được đảm bảo bởi vàng. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành VNĐ (vietnamdong) thì mỗi tờ tiền đó tuỳ theo giá trị được ghi mà có thể đem ra Ngân hàng Nhà nước đổi lại được một số vàng nhất định (trên lý thuyết). Tương tự là bản vị dầu mỏ (petrodollars). Vì vậy, phải có những tài sản đảm bảo như vậy thì người ta mới tin vào giá trị của tiền và sử dụng nó. Đó là lí do vì sao một số nước thì tích trữ vàng, một số nước thì tích trữ dầu để đảm bảo cho đồng tiền của họ.

Cũng như vậy, để tiền mã hoá có giá trị thì bắt buộc nó phải được bảo chứng bởi một loại tài sản nào đó. Và ở đây có hai loại tài sản chính thường được dùng, đó là dollar (USD - có thể là tiền thật, hoặc giá trị vốn hoá của hệ sinh thái như BNB) hay một loại token khác mang tính ổn định. Vậy những token mang tính ổn định đó là gì, chúng được gọi là stablecoin. Những stablecoin là những coin có giá xoay quanh tiền pháp định (fiat) với PEG là 1. Ví dụ 1 token USDT = 1 USD, 1 token USDC = 1 USD. Những stablecoin như USDT và USDC chính là những phương thức thanh khoản chính cho những coin khác như BTC và ETH. Giả sử ta có 1 BTC và tỉ giá BTC/USDT hiện tại là 30000 thì chúng ta có thể thực hiện bán ra 1 BTC và thu lại 30000 USDT. Sau đó ta lại bán 30000 USDT ra để đổi lại 30000 USD tiền thật.

Ngoài ra, ta còn một loại tài sản đảm bảo khác cho stablecoin đó là một coin khác. Ở đây ta sẽ nói đến trường hợp của UST. UST được sinh ra bởi Terraform Labs với nhiệm vụ như một stablecoin là giữ PEG luôn bằng 1, nhưng lại được đảm bảo để những coin khác. PEG là một chỉ số trong chứng khoán, chúng ta có thể tạm hiểu là tỉ lệ trao đổi giữa một cặp tiền tệ trong bối cảnh này. Ví dụ, chỉ số PEG của UST/USD là 1 có nghĩa là nếu ta dùng 1 UST sẽ đổi được 1 USD. Nếu PEG < 1 thì tức là UST đang mất giá so với USD, ngược lại nếu PEG > 1 thì có nghĩa là UST đang có giá quá cao so với USD. Nhiệm vụ của Terraform Labs đó là phải luôn giữ cho PEG bằng 1. Tuy nhiên, nếu không sử dụng USD làm tài sản bảo chứng mà dùng coin thì phải làm thế nào? Chúng ta phải quay lại với mô hình hai ví ban đầu.

Mô hình 3pool

Để UST có gía trị thì Terraform Labs giữ một lượng stablecoin khác để để tạo thanh khoản cho UST (đó là USDT, USDC và DAI - mô hình 3pool). Tức là khi người dùng cần thì có thể dùng UST để đổi ra USDT, USDC hoặc DAI với tỉ giá 1:1. Để tỉ giá luôn ổn định với PEG = 1 thì bắt buộc tỉ lệ khối lượng giữa hai ví này phải cũng phải là 1:1 (mỗi bên 50%). Mỗi bộ 2 ví như vậy được gọi là 1 pool, như vậy với những pool này thì UST đã được đảm bảo giá trị quanh mốc PEG = 1.

Ngoài ra Terraform Labs cũng còn một token khác với mục tiêu chính là hỗ trợ giá cho UST là LUNA. Số lượng tài sản đảm bảo USDT, USDC, và DAI là có thể kiểm soát. Tuy nhiên tổng lượng UST trên thị trường được trao đổi là không thể kiểm soát. Do đó, để đảm bảo PEG luôn bằng 1 thì phải có cơ chế burn and earn cho UST. Điều này được thực hiện được bởi Terraform Labs đang nắm giữ lượng UST lớn và có thể thoải mái exchange nó sang LUNA (một coin khác của chính họ phát hành). Với cơ chế cung-cầu cơ bản, khi lượng cầu thấp, tức là nhu cầu sử dụng UST giảm đi thì UST sẽ bị bán tháo, suy ra PEG < 1. Để phản ứng tương xứng với điều này và giúp PEG quay về 1, thì bắt buộc nguồn cung UST trên thị trường phải giảm đi. Lúc này, LFS (LUNA Foundation Guard) - một quỹ phòng vệ của Terraform Labs và các đối tác sẽ thực hiện dùng BTC để mua lại lượng UST bị bán tháo trên thị trường giúp PEG trở về 1. Một chiến lược khác đó là dùng LUNA. Giữa LUNA và UST có một cơ chế swap đặc biệt giúp điều chỉnh số lượng UST khi cần thiết, đây là một cơ chế bán tự động. Khi lượng cung UST thấp, hệ thống sẽ tự swap từ LUNA sang UST để đảm bảo nguồn cung và ngược lại. Đây được xem là một hệ thống hoàn hảo để hỗ trợ cho đồng UST.

Sập sàn

Mọi chuyện đều có vẻ ổn với bức tranh tài chính hoàn hảo như trên. Tuy nhiên, một sự kiện quan trọng đã xảy ra khi CEO Do Kwon của Terraform Labs thông báo công khai thời gian sẽ chuyển đổi mô hình 3pool thành 4pool. 4pool là sự hợp tác của 4 đồng stablecoin bao gồm: UST-USDT-USDC-FRAX trên sàn giao dịch stablecoin Curve. Nhận thấy thời cơ đã đến, một tổ chức X, đã lên kế hoạch của mình và thực hiện nó như sau:

  • Tổ chức X thế chấp tiền để vay 100.000 BTC từ sàn giao dịch Gemini, sau đó swap 25.000 BTC sang UST. Phần 75.000 BTC còn lại thì họ bán ra thị trường, nhiều khả năng LFG chính là quỹ đã mua lại số BTC này. Vì họ từng cam kết sẽ tích trữ đủ 10 tỷ đô BTC để hỗ trợ UST và trong khoảng thời gian từ 23/4-27/4/2022 LFG cũng có ghi nhận là thu mua một lượng lớn BTC. Đây có vẻ là một động thái giúp đỡ cho UST khi tổ chức X vừa thu mua UST vừa bán BTC cho LFG tích trữ.
  • Ngày 8/5/2022, LFG theo kế hoạch thực hiện rút 150 triệu đô ra khỏi 3pool để chuẩn bị thanh khoản chuyển vào 4pool. Ngay lúc này, thế lực X thực hiện xả 350 triệu UST ra thị trường (bao gồm khoản đã swap từ BTC). Nói một cách dễ hiểu đó là khi tài sản đảm bảo được rút ra để chuẩn bị chuyển sang ví mới thì đúng lúc một số lượng lớn UST bị bán ra. Điều này khiến sự mất cân bằng ngày càng lớn và làm cạn thanh khoản của UST, tỉ lệ 50:50 giữa hai ngăn của 3pool đã mất cân bằng quá lớn, khiến cho PEG giảm xuống chỉ 0.97.
  • Để kéo PEG về 1, LFG bắt buộc phải bán ra BTC trong quỹ phòng hộ để mua lại lượng UST đang được xả trên thị trường. Điều đó đã tạo ra làn sóng sụp đổ của BTC và hàng loạt altcoin khác. Lúc này thị trường hoảng loạn và nhuốm một màu đỏ thê thảm. Tuy BTC vẫn đang xuống, nhưng LFG vẫn phải tiếp tục bán BTC để mua lại UST, điều đó càng khiến tình hình tệ hơn.
  • Mọi nỗ lực của Terraform đều bất thành khi có một số lượng lớn UST đang được giữ trên một số nền tảng cho vay phi tập trung như Anchor. Ngay khi PEG UST/USD giảm đột ngột, người gửi UST tại các sàn này rút ra và bán tháo một cách nhanh chóng. Vào ngày 11/5/2022, chỉ số PEG của UST/USDT có lúc chạm đáy 0.22.
  • Việc UST sụp đổ khiến cho LUNA sụp đổ theo do cơ chế swap-and-burn UST, thậm chí còn thê thảm hơn. Bây giờ khi LFG không còn BTC để mua lại UST nữa thì chỉ còn cách "hy sinh" LUNA. LFG bắt buộc phải mint thêm LUNA liên tục để swap-and-burn UST từ thị trường. Việc này khiến LUNA mất giá hàng chục ngàn lần chỉ sau vài ngày.
Biểu đồ giá LUNA/USDT lúc 22:14 12/05/2022

Hậu quả của sự kiện này theo ước tính đã đánh bay 600 tỷ đô vốn hoá khỏi thị trường crypto, dự án LUNA gần như mất hết giá trị. LUNA là dự án đầu tiên nằm trong top-10 dự án dẫn đầu thị trường bị giảm gần 99% giá trị trong vòng 24h. Người đứng sau vụ việc này nhiều khả năng đã bỏ ra 350 triệu đô để thế chấp khoản vay 100.000 BTC ở mức giá 35.000 USDT. Không rõ họ đã mua lại BTC để giải chấp khoản vay để lấy lại 350 triệu đô và chốt lời những lệnh short của mình hay chưa. Nhưng chắc chắn họ đã kiếm được khoảng lời gần tỷ đô bởi vì giá BTC đã có lúc giảm xuống mốc 24.500 USDT, mốc thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.

Theo nhiều suy đoán, tổ chức X có thể là 2 quỹ BlackRock và Citadel - hai con sói già phố Wall thực thụ. Tuy nhiên cả 2 đều đã lên tiếng phủ nhận, nhưng trang ghi nhận sổ sách cho vay công khai của BlackRock và Citadel trên Gemini đều không truy cập được. Nếu thật sự là 2 tổ chức này đứng sau thì rất có thể đây sẽ là phát súng khai màn trong cuộc chiến giữa ngân hàng truyền thống và DeFi. Sự kiện này cũng nổ ra trùng hợp ngay giữa tâm bão khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lấy ví dụ về mô hình này nhằm nêu lên rủi ro về stablecoin trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vào tối 10/05.

Bong bóng Dotcom

Sự kiện đo ván của LUNA và UST là một cú sốc lớn cho các nhà đầu tư tiền mã hoá và những quỹ lớn. Nó nhắc nhở chúng ta về sự kiện bong bóng Dotcom vào những năm 2000. Nếu chúng ta thử so sánh tiến trình phát triển theo từng giai đoạn của nền tảng công nghệ blockchain thì sẽ thấy điểm tương đồng với việc phát minh ra giao thức TCP/IP ở thế kỷ trước. Các hệ thống APARNET, INTRANET được phát triển dựa trên TCP/IP cũng giống như Bitcoin hay Ethereum ở được phát triển dựa trên blockchain. Sau đó các mạng này được kết nối (bridge) lại với nhau và tạo ra Internet, sau Internet là các ứng dụng World Wide Web và hàng loạt tiện ích, phần mềm được tạo ra. Sự kiện này đã tạo ra sự bùng nổ trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và lan rộng ra toàn thế giới. Thời ấy vốn được gọi rất dễ dàng, chỉ cần có từ "internet" hoặc ".com" trong tên công ty là sẽ nhận được những khoản đầu tư rất lớn. Việc vỡ và xẹp bong bóng đầu cơ Dotcom đã mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 tại Hoa Kỳ và kéo theo nhiều hệ luỵ phía sau. Điều đó cũng giống như việc các start-up blockchain, DeFi, metaverse.. hiện nay đang mọc lên như nấm sau mưa và nhận được mức đầu tư ngày càng cao. Do đó, những sự trùng khớp về quá trình phát triển của công nghệ World Wide Web và Blockchain cảnh tỉnh nhà đầu tư cần phải tỉnh táo và lựa chọn kỹ càng dự án trước khi xuống tiền. Bởi vì bóng bóng blockchain, bong bóng DeFi, bong bóng metaverse có thể vỡ bất kỳ lúc nào. Qua sự kiện này cũng cho thấy, thứ quyết định một dự án công nghệ có thành công hay không không phải là công nghệ, mà lại là thị trường.